728x90 AdSpace

Latest News
Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Cách chọn đồ dùng, thực phẩm an toàn của bà mẹ 'sành sỏi'

Nguyên tắc của chị Thanh Hằng là ăn đồ địa phương, tươi ngon tại chỗ và theo mùa, không ham của ngon vật lạ trái mùa. 
"Ung thư" là từ khóa được tìm kiếm nhiều vài năm trở lại đây và một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư chính từ thực phẩm không lành mạnh chúng ta nạp vào cơ thể hàng ngày. Là một người mẹ, chị Bùi Thị Thanh Hằng (Hà Nội) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về thực phẩm hữu cơ và những nguồn cung cấp đảm bảo an toàn. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm và đồ tiêu dùng của admin nhóm Tiêu dùng hữu cơ này đã nhận nhiều sự quan tâm. 
Chị Thanh Hằng so sánh việc thay đổi thói quen ăn uống, mua sắm đồ dùng trong gia đình giống như "làm cách mạng" và càng tìm hiểu nhiều về thực phẩm hiện nay, chị càng "biết sợ". Từ đó, chị đã loại một số thực phẩm sau ra khỏi căn bếp của mình:
- Mì tôm, bim bim, bánh kẹo các loại.
- Nước uống có ga.
- Thịt nguội, xúc xích và các đồ ăn nhanh khác.
- Đường tinh luyện.
- Dầu rán tinh luyện.
- Thịt cá, rau củ quả không nguồn gốc.
Bà mẹ hai con nói "không" với tất cả thực phẩm GMO (thực phẩm biến đổi gen) bao gồm: ngô ngọt Mỹ, hầu hết tào phớ bán ở các chợ, cà chua đen... Chị chỉ chọn mua những mặt hàng có ghi nhãn hữu cơ kèm chứng nhận uy tín. Chị cũng cho biết thêm, "90% đậu nành nhập khẩu ở Việt Nam đều là GMO"..
cach-chon-do-dung-thuc-phm-an-toan-cua-ba-me-sanh-soi
Chị Thanh Hằng rất chịu khó tìm hiểu về các thực phẩm hữu cơ.
Với từng loại mặt hàng tiêu dùng thông thường, chị Thanh Hằng đều có lưu ý rõ rằng trong bài viết chia sẻ kinh nghiệm. Cụ thể như sau:
1. Dầu rán
Không dùng dầu rán tinh luyện bán trong siêu thị. Hầu hết dầu rán tinh luyện trong siêu thị làm từ hạt đậu nành hoặc hạt hướng dương là hai loại đầu bảng về biến đổi gen. Nếu không từ những loại trên thì dầu tinh luyện cũng không tốt vì trải qua quá trình bóc tách, khử mùi... với vô vàn hóa chất khác nhau có hại cho sức khỏe. Thay vào đó, chị Thanh Hằng mua dầu ép thủ công về sử dụng trong gia đình như dầu lạc, dầu vừng. Dầu lạc có nhược điểm là hơi khói nhưng nếu rán nhỏ lửa, có kiểm soát thì hoàn toàn khắc phục được. Kinh nghiệm của chị Hằng là: "Ngon nhất là mua dầu lạc từ vùng Nghệ An hoặc Quảng Nam, Đà Nẵng và đặc biệt là dầu lạc làm từ lạc sẻ (loại lạc cổ, hạt bé, thơm ngon)". Tuy vậy, theo chị, nói chung nên hạn chế món ăn dùng đến dầu và tăng các món hấp, luộc. Mỗi tháng nhà chị chỉ dùng hết một lít dầu.
2. Kem đánh răng
Không dùng loại kem đánh răng thông thường, chị Hằng tìm đến những loại có thành phần tự nhiên. Chị hay mua hai loại là Dentie (của Nhật, làm từ than quả cà tím muối lâu năm) và Dentist (nổi tiếng của Thái, chiết suất từ 9 loại thảo dược) hoặc đơn giản là vò lá trầu không đun lên để đánh răng, xúc miệng.
3. Xà phòng, nước tẩy rửa
Đã thử qua nhiều loại sản phẩm nhập ngoại có chứng nhận của USDA nhưng chị Thanh Hằng nhận thấy trong thành phần cũng chứa 1-2 thành phần hóa chất. Vì thế, chị đã mua quả bồ hòn về thay thế bột giặt và sử dụng nước Leafresh, sản phẩm nguồn gốc tự nhiên của Việt Nam, về rửa bát, lau nhà, rửa tay...
4. Dầu gội và sữa tắm
Hơn một năm nay, cả gia đình chị Thanh Hằng không sử dụng dầu gội đầu, sữa tắm mà thay thế hoàn toàn bằng thảo dược. "Có thời gian thì mua lá và bồ kết về tự đun, 15.000 đồng/kg bồ kết tươi thôi. Lười lười thì dùng gói gội thảo dược sẵn No’Poo. Đun hết 5 phút là xong. Tóc óng mượt".
5. Gia vị
Kinh nghiệm của chị Thanh Hằng là: "Nói không với mì chính, các loại gia vị mua sẵn chứa mì chính và chất phụ gia khác. Dùng muối tự chế từ muối hầm, muối rang. Làm ngọt nước bằng rau, củ, quả, thịt, cá".
6. Đường
Thay vì dùng đường tinh luyện, chị Thanh Hằng mua đường thô như đường thốt nốt, đường mật mía... Tuy nhiên, cũng giống như dầu rán, chị hạn chế các món ăn nhiều đường trong thực đơn gia đình.
cach-chon-do-dung-thuc-phm-an-toan-cua-ba-me-sanh-soi-1
Bữa ăn nhiều rau, củ của gia đình chị Thanh Hằng.
7. Nước mắm
Chọn mua các loại nước mắm có thành phần từ cá biển và muối, như Thuyền Nan, Thanh Hà, Nam Ô, Phụng Hưng... Nhiều loại nước mắm hiện nay đều làm từ phẩm màu, chất điều vị và phụ gia để tạo vị ngon, ngọt nhưng chứa hóa chất độc hại.
8. Gạo
Khi mua gạo, chị Thanh Hằng luôn chọn loại có nguồn gốc rõ ràng, gạo không đánh bóng. Một số loại chị thường mua là gạo Nhân Thùy, Pamci, Hoa sữa...
9. Quả
Mùa nào thức nấy, bà mẹ đảm luôn chọn mua hoa quả Việt Nam thay vì hoa quả nhập khẩu. Kinh nghiệm khác của chị là xem mã code (barcode) ghi trên sản phẩm nếu có đầu 9 là hoa quả hữu cơ.
10. Thịt, cá, trứng
Mua của những nguồn đảm bảo, không nuôi tăng trọng hoặc nếu có điều kiện thì tự nuôi phục vụ nhu cầu của gia đình.
11. Rau các loại
Có hai loại rau là rau an toàn (có dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học nhưng cách ly đủ) như rau Vingroup, rau Đà Lạt và rau khác nói chung theo tiêu chuẩn Vietgap và rau hữu cơ hoặc tự nhiên (không hóa chất, không thuốc trừ sâu). Ngoài ra, các gia đình có thể tự trồng rau ở vườn hoặc ban công. 
Hà Nhi
Theo FB Hằng Karose
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Item Reviewed: Cách chọn đồ dùng, thực phẩm an toàn của bà mẹ 'sành sỏi' Rating: 5 Reviewed By: Dương Văn Tuấn